81.000 máy tính nhiễm virus Conficker | Công nghệ

Theo cảnh báo, virus Conficker sẽ cập nhật phiên bản mới và tấn công toàn diện các máy tính kết nối mạng Internet. Tuy nhiên, đến chiều tối 1.4, ông Đỗ Ngọc Duy Trác – Trưởng phòng nghiệp vụ của Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính VN (VNCERT) cho biết: Chưa có dấu hiệu cho thấy virus Conficker tiến hành cuộc tấn công như giới bảo mật quốc tế đã dự báo. Song ông Trác cho rằng, nguy cơ virus Conficker biến thể phiên bản mới có thể diễn ra bất kỳ lúc nào. Đặc biệt, cũng khó lường hết được những nguy cơ do virus Conficker gây ra nếu nó cập nhật phiên bản mới.

Trao đổi với báo giới, ông Nguyễn Tử Quảng – GĐ Trung tâm An ninh mạng Bách khoa (BKIS) cho biết: BKIS đã theo dõi sát sao vụ việc này. Theo thống kê đến 18 giờ hôm qua, tại 85 quốc gia với nhiều múi giờ khác nhau, BKIS đã nhận diện được 1.100.000 ngàn máy tính bị nhiễm virus này. Đặc biệt đến ngày 1.4, tại VN đã có 81.000 máy tính bị nhiễm. 

Ông Quảng cũng cho biết, phải đến 19 giờ hôm nay (2.4), công tác thống kê phân tích, theo dõi, thống mới có thể hoàn tất; khi đó mới biết chính xác số máy tính bị nhiễm virus Conficker trong ngày 1.4 là như thế nào.

Theo ông Quảng, do đã được lập trình từ trước, virus Conficker ẩn náu trong các máy tính đã bắt đầu truy cập lên các tên miền ngẫu nhiên để tìm phiên bản mới. Đây cũng chính là điều mà giới bảo mật thế giới đều cảnh báo ở mức độ cao nhất. Tuy nhiên đến tối muộn ngày 1.4, vẫn chưa có phiên bản mới của virus này.

 

Theo phân tích của BKIS cho thấy, có thể mỗi ngày từ 1.4, virus Conficker sẽ truy cập lên 50.000 tên miền ngẫu nhiên. Đến thời điểm nào đó, “tác giả” của con virus này cũng sẽ tạo ra 50.000 tên miền ngẫu nhiên tương tự và chọn một vài tên miền trong số đó để chứa phiên bản mới cho virus Conficker. Khi đó, sự truy cập ngẫu nhiên của virus Conficker sẽ có kết quả và phiên bản mới với mức độ phá hoại, sự phức tạp hơn nhiều lần sẽ được tự động tải về máy bị nhiễm virus này.

Để đối phó với virus Conficker, VNCERT khuyến cáo những máy tính kết nối Internet cần cập nhật đầy đủ các bản vá của hệ điều hành Windows; cập nhật các phần mềm diệt virus và quét virus cho toàn bộ máy tính (full scan); lưu trữ an toàn (backup) và mã hoá các dữ liệu quan trọng; cân nhắc sử dụng công cụ quét và diệt virus Conflicker của Bit Defender được cung cấp tại địa chỉ: www.bdtools.net, của Symantec tại www.symantec.com, của Kaspersky tại: www.kaspersky.com (ở VN có thể vào địa chỉ: www.kaspersky.nts.com.vn). Hai phần mềm diệt virus của Việt Nam là CMC và BKAV cũng đã đưa ra công cụ để đối phó với loại virus nguy hiểm này.

Theo Thế Hải / Lao Động


Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Fill out this field
Fill out this field
Vui lòng nhập địa chỉ email hợp lệ.
You need to agree with the terms to proceed

Tuyendaily22

Xem nhiều nhất

Menu